Từ lúc đó, cả ngày của tôi thật đúng là tuột dốc không phanh.
Tôi đoán Maria không có hứng thú gì trong chuyện nối lại mối quan hệ với người cũ thì cô ta vẫn còn rất hứng thú trong việc hành hạ tôi. Nỗi nghi ngờ đầu tiên xảy đến khi tôi mở tủ lạnh, lấy ra một hộp nước cam còn nguyên chưa mở lần nào mà có người đã mua để thay vào cái hộp nước Ngu Ngơ và Ngái Ngủ đã tu sạch vào ngày hôm qua.
Tôi vừa mới mở ra thì Ngu Ngơ xồng xộc chạy vào, giật phắt cái hộp nước khỏi tay tôi, cho lên miệng tu.
Tôi vừa mới mở miệng: "Này!" đầy bực bội, nhưng từ đó nhanh chóng chuyển thành một tiếng kêu ré lên vì kinh tởm và kinh hoàng khi cái thứ chảy vào miệng đứa anh em con dượng tôi không phải là nước cam, mà là những con bọ. Hàng trăm con bọ. Hàng ngàn con bọ. Bọ sống hẳn hoi, luồn lách bò lổm ngổm, rơi từ trong cái miệng cậu ta đang há ra.
Một tích tắc sau, Ngu Ngơ cũng nhận ra chuyện gì đang diễn ra. Cậu ta ném cái hộp xuống đất rồi chạy thẳng ra chỗ bồn rửa, cố sức khạc ra càng nhiều những con bọ đen xì càng tốt. Trong khi đó, bọn bọ vẫn còn nhung nhúc chui từ trong cái hộp cáctông bò ra sàn.
Tôi cũng chẳng hiểu mình lấy đâu ra can đảm để làm cái điều tiếp theo. Nếu trên đời này có thứ gì tôi ghét cay ghét đắng thì đó là bọ. Ghét thứ hai sau cây sồi độc, và đó là một trong những lý do tôi rất ít khi đi ra ngoài chơi. Ý tôi là, tôi thì không sợ kiến chết trong bể bơi hay bị một con bướm đậu lên vai, nhưng cứ thử nhìn thấy một con muỗi hay (lạy trời đừng) một con gián đi, tôi chả chạy mất dép ấy.
Tuy thế, bất chấp nỗi sợ gần chết dành cho bất cứ thứ gì bé hơn hạt đậu phộng ấy, tôi thò tay nhặt cái hộp cáctông lên, dốc tất cả những gì còn trong đó vào bồn rửa, và sau đó bật máy nghiền rác còn nhanh hơn cả khi bạn kịp nói xong từ Tấn công nữa kia.
"Ôigiờiơi!" Ngu Ngơ gào toáng lên và tiếp tục khạc nhổ vào cái bồn rửa. "Ôigiờiđấtthánhthầnchếttiệt."
Chỉ có điều cậu ta không có ý nói 'chết tiệt'. Nhưng trong hoàn cảnh này tôi cũng chẳng trách được cậu ta.
Tiếng kêu gào của hai đứa đã lôi cả Ngái Ngủ và dượng tôi vào bếp. Hai người họ chỉ biết đứng chết trân, trố mắt nhìn cảnh hàng trăm con bọ đen xì đang cố sống cố chết chui ra khỏi đường ống của cái bồn rửa và bò ra khắp những tấm lót sàn màu nâu đỏ, họ cứ đứng cho đến khi tôi kêu lên: "Dẫm chết chúng đi!"
Thế là chúng tôi đều bắt đầu cố dẫm chết được cái bọn của nợ đó càng nhiều càng tốt. Cuối cùng, chỉ còn hai con thoát được, đó là những con nhanh chóng phát hiện ra khoảng hẹp bên dưới tủ lạnh và một, hai con chuồn thẳng qua những tấm cửa kính trượt, chạy ra ngoài. Thật đúng là một việc kinh tởm, hết cả hơi, và tất cả chúng tôi đều đứng thở hồng hộc... chỉ trừ Ngu Ngơ rên rỉ và xông thẳng vào nhà tắm, chắc là để súc miệng cho sạch với Listerine, mà cũng có thể là để kiểm tra xem còn cặp râu bọ nào vẫn còn dính vào kẽ răng hay không.
Khi tôi kể lể chuyện xảy ra, dượng Andy nói: "Ừm, đây sẽ là lần cuối cùng dượng còn mua thực phẩm tươi sống đấy."
Điều đó nghe thật buồn cười, nhưng theo cái cách đáng sợ. Chỉ trừ có điều tôi biết rằng cho dù đó có là đồ còn tươi sống hay là đông lạnh đi nữa thì cũng chẳng khác gì nhau: một con ma quái tính đã gây ra vụ này.
Dượng Andy nhìn sàn bếp bừa bộn bẩn thỉu và lên tiếng, giọng hơi sững sờ: "Chúng ta phải dọn sạch chỗ này trước khi mẹ con về."
Dượng ấy có lý. Bạn nghĩ tôi ghét bọ? Thế thì bạn còn chưa gặp mẹ tôi rồi. Chúng tôi chẳng phải là những người yêu tự nhiên gì đâu nhé.
Thế là chúng tôi bèn xắn tay vào việc, cọ cạy và rửa sạch chỗ bọn bọ bị nát bét ra trên tấm lót sàn, trong khi tôi nêu ý kiến khôn ngoan là tạm thời cả ba bữa đều nên gọi đồ ăn mang đến chứ không riêng gì bữa tối nữa. Tôi không dám nói chắc là liệu Maria có nhúng tay vào thực phẩm nào nữa không, nhưng tôi nghi là rồi sẽ chẳng còn thứ gì trong chạn hay trong tủ lạnh còn dùng đa được đâu.
Dượng Andy quá hớn hở đồng ý ngay, cứ ba hoa mãi về việc bọn côn trùng có thể phá hỏng hết những vụ mùa ra sao, bao nhiêu ngôi nhà mà dượng ấy xây dựng đã bị mối phá, và việc thường xuyên xông khói trừ côn trùng cho nhà cửa thì quan trọng thế nào.
Nhưng tôi muốn nói với dượng ấy rằng, khi mà bọn bọ đó là do một con ma đang nhăm nhăm báo thù gây ra thì cho dù có xông nhà đi nữa thì cũng vô ích.
Nhưng tất nhiên là tôi không nói ra câu đó rồi. Tôi tin là có khi dượng ấy chẳng hiểu tôi nói gì. Dượng Andy không tin là có ma mà. Được như dượng thì hẳn phải sung sướng lắm.
Khi Ngái Ngủ và tôi cuối cùng cũng đến chỗ làm, mọi thứ có vẻ như khá khẩm hơn, vì thậm chí chúng tôi còn chẳng gặp rắc rối gì vì tội đi làm muộn. Dĩ nhiên điều đó là nhờ Ngái Ngủ đã 'trấn' được Caitlin rồi mà. Thế nên, bạn thấy không, có anh em con dượng đúng là cũng có một vài cái lợi đấy chứ nhỉ.
Mà thậm chí ông bà Slater cũng không mảy may có một lời kêu ca phàn nàn nào về việc tôi dẫn Jack ra khỏi khách sạn đi chơi mà chưa xin phép họ, bởi vì người ta chỉ bảo tôi đi đến phòng họ đang ở. Trong khi bước trên những hành lang trải thảm dày của khách sạn để đến phòng ở của họ, tôi tự nhủ thầm: chuyện này đúng là suôn sẻ đến mức không thể tin nổi, và điều đó chứng tỏ là trong hoàn cảnh tồi tệ thế nào đi nữa thì cũng sẽ vấn có một tia hi vọng dù nhỏ nhoi.
Hay ít nhất thì đó là điều tôi đang nghĩ khi gõ cửa phòng họ. Thế nhưng, khi cửa mở ra thì tôi thấy không chỉ có mỗi Jack mà cả hai anh em nhà Slater đều đã sẵn sàng trong bộ đồ bơi, và thế là tôi bắt đầu thấy nghi ngờ.
Nhóc Jack nhảy chồm về phía tôi như thể con mèo con nhảy vồ cuộn len vậy.
"Chị đoán thử xem nào?" nó kêu lên. "Hôm nay anh Paul sẽ không chơi golf, không chơi tennis hay bất cứ trò gì khác nhé. Anh ấy muốn chơi cùng chúng ta cả ngày đấy. Chẳng phải rất hay sao?"
"Ừm," tôi nói.
"Ừ, đúng thế Suze," Paul nói. Cậu ta đang mặc cái quần đùi rộng thùng thình (chứng tỏ là còn tệ hơn nữa: cậu ta có thể đang mặc ở bên trong là đồ bơi Speedo), một cái khăn bông vắt qua cổ, không còn gì khác ngoài một nụ cười nửa miệng. "Chẳng phải rất hay sao?"
"Ừm," tôi đáp. "Hay. Hay lắm."
Ông bà Slater lướt qua chúng tôi, mặc bộ đồ đánh golf. "Các con chơi vui nhé," bà Nancy gọi với. "Suze à, hôm nay cô chú phải học chơi cả ngày. Cháu ở lại đến 5 giờ nhé?" Thế rồi, chẳng đợi câu trả lời, bà ta tiếp: "Được rồi, bye bye," khoác tay ông chồng và biến mất.
Thôi được rồi, tôi tự nhủ. Mình có thể xử lý được. Sáng nay tôi cũng đã phải xử cả lũ bọ nhung nhúc rồi cơ mà. Trừ cái thực tế là cứ một lúc tôi lại có cảm giác hình như có một con đang bò trên người mình và nhảy dựng lên, để rồi biết rằng đó chỉ là do tóc của tôi hay gì đó thôi mà, trừ điều đó ra thì tôi cảm thấy khá hơn nhiều rồi. Có lẽ là còn hơn cả Ngu Ngơ ấy chứ.
Vậy nên tất nhiên là tôi có thể xoay xở được khi có Paul Slater cả ngày quanh quẩn. Ý tôi là làm phiền tôi ấy mà. Đúng không nhỉ? Không vấn đề chi hết.
Nhưng đúng là có vấn đề thật. Bởi vì Jack cứ muốn nói về cái chuyện cầu nối kia, và tôi thì cứ phải thầm thì bảo nó trật tự, thế là nó tuôn: "Ô, không sao đâu Suze, anh Paul biết rồi mà."
Đấy, vấn đề nó là thế đấy. Lẽ ra Paul không được biết. Lẽ ra đó phải là bí mật của hai bọn tôi, của tôi và Jack. Tôi không muốn cái tên Paul ngu si, cái loại không thể tin được lại đi nói vì-cậu-không-chịu-đi-chơi-với-tôi-nên-tôi-sẽ-đi-mách-lẻo-chuyện-của-cậu đó có liên quan gì đến chúng tôi. Mà nhất lại vì cứ khi nào Jack nói đến bất kỳ điều gì về chuyện này, là Paul lại trễ cặp kính Armani xuống và nhìn tôi qua phía trên gọng kính, háo hức chờ xem tôi sẽ nói gì.
Thì tôi còn làm gì được nữa nào? Tôi giả vờ như chả hiểu Jack đang nói về chuyện gì cả. Điều này dĩ nhiên là khiến thằng nhóc bực mình khó chịu, nhưng biết phải làm sao? Tôi không muốn Paul biết gì về việc của tôi hết. Ý tôi là, đến mẹ ruột còn chả biết nữa là. Vì lý do quái gì mà tôi lại phải kể cho tên Paul đó chứ?
May mắn thay, sau khi Jack nói mãi về cái chuyện cầu nối đến sáu, bảy lần mà tôi đều lờ lớ lơ, hình như nó cũng hiểu được ý tôi và thôi, không nói nữa. Cũng may mà bể bơi rất đông trẻ con đi cùng bố mẹ hoặc người trông chúng, thế nên nó cũng bị phân tán đi nhiều.
Nhưng tôi vẫn hơi lo lắng khi phải đứng dựa vào thành bể bơi cùng với Kim, cô nàng xuất hiện cùng với mấy đứa con nít phải trông, tôi rất hay phải liếc về phía Paul, thấy cậu ta nằm duỗi người ra trên cái ghế dài, mặt hướng về phía tôi. Nhất là khi tôi có cảm giác là Paul, không giống như Ngái Ngủ đang ngồi phía trên ghế cao kia, đằng sau cặp kính sẫm màu đó hẳn phải là hai con mắt mở thao láo.
Thế là một lần nữa Kim lại tuôn: "Này, nếu mà một chàng hấp dẫn thế kia mà muốn ngắm mình, thì chàng ngắm bao nhiêu cũng được."
Nhưng dĩ nhiên, Kim thì khác. Cô nàng đâu có hồn ma của một anh chàng đẹp trai hấp dẫn nóng bỏng một trăm năm mươi tuổi sống trong phòng riêng. Nhìn chung thì tôi thấy cả buổi sáng nay thật đúng là tồi tệ hết biết. Chắc là sau khi ăn trưa thì ngày hôm nay sẽ trở nên khá khẩm hơn.
Tôi lại nhầm to rồi. Sau khi ăn trưa thì lại có cảnh sát xuất hiện.
Tôi đang duỗi người ra trên cái ghế dài, vừa để ý quan sát Jack đang chơi trò trốn tìm với mấy đứa trẻ con mà Kim phải trông, vừa phải để ý đến Paul, cái kẻ vờ vịt đang đọc cuốn The Nation, nhưng thực ra qua mép cuốn sách lại đang soi bọn tôi như Kim đã nói, thì lúc đó Caitlin xuất hiện, trông chị ta rõ là đang khó chịu, theo sau là hai ông cảnh sát lực lưỡng vùng Carmel.
Tôi nghĩ là chắc họ chỉ đi qua đây để đến phòng cất đồ của nam, thỉnh thoảng ở đó hay có những vụ đột nhập mà. Bạn tưởng tượng ra nổi tôi ngạc nhiên đến độ nào không khi Caitlin dẫn cảnh sát đến ngay chỗ tôi và nói bằng giọng run run: "Đây là Susannah Simon, thưa Sỹ quan."
Tôi vội vã xỏ cái quần kaki dã man vào trong khi ở ghế bên cạnh, Kim đang há hốc miệng ra nhìn hai ông cảnh sát cứ như thể bọn họ là người cá mới trồi lên từ dưới biển hay gì đó.
"Cô Simon," cái người cao hơn nói. "Nếu cô không phiền, chúng tôi xin phép có vài lời với cô một lát thôi."
Trong đời, tôi đã nói chuyện với cảnh sát không biết bao nhiêu lần. Nhưng không phải vì tôi qua lại với bọn băng đảng như Ngái Ngủ lúc nào cũng thích nghĩ thế đâu, mà là vì chuyện cầu nối, cái chuyện mà thường xuyên tôi buộc phải... ừm... phá luật một tẹo.
Ví dụ thế này, giả sử là cái bà Marisol đó mà không trả lại chuỗi tràng hạt cho con gái của ông Jorge. Ừm, để hoàn thành nốt tâm nguyện cuối cùng của ông Jorge, thì tôi sẽ buộc phải đột nhập vào nhà bà Marisol, tự mình đi lấy chuỗi tràng hạt, và gửi nó đến cho chị Teresa mà không để lộ danh tính. Ai chẳng biết là một việc như thế (xét theo toàn cục thì cũng thực sự vì lợi ích cao cả hơn thôi) cũng sẽ dễ bị cơ quan hành pháp hiểu nhầm là một hành vi phạm tội.
Vậy nên, thực tế là, tôi đã không biết bao lần bị cảnh sát dẫn độ về, khiến người mẹ đáng thương phải buồn lòng. Tuy vậy, trừ sự vụ không may vài tháng trước đã khiến tôi phải nằm viện, thì tôi không thể nào nghĩ ra được thời gian gần đây mình đã làm gì để đến nỗi bị người ta cho rằng mình phạm pháp.
Vậy là, vừa tò mò mà cũng có chút lo lắng, tôi đi theo hai sỹ quan cảnh sát - tên là Knightley và Jones - đi khỏi khu vực bể bơi, đến chỗ đằng sau quán Pool House Grill, gần mấy cái thùng rác, tôi đoán đó là nơi gần nhất mà hai ông sỹ quan đó cảm thấy là tuyệt đối riêng tư để bắt đầu cuộc chuyện trò nho nhỏ.
"Cô Simon," Sỹ quan Knightley mở lời, cái người cao hơn ấy, trong khi tôi quan sát một con thằn lằn chui ra từ trong bóng râm của bụi cây đỗ quyên gần đó, cảnh giác nhìn chúng tôi và đó là rồi lại chui tọt vào trong chỗ có bóng râm. "Cô có quen biết gì với Tiến sỹ Cilve Clemmings không?"
Tôi bị sốc và nói rằng mình có quen. Điều cuối cùng tôi chờ ông Sỹ quan Knightley đó nói đến là cái ông Dr. Clive Clemmings, Ph.D. Tôi đang nghĩ đến một điều gì khác hơn cơ, như là... mà tôi cũng chẳng biết nữa. Chuyện đưa một đứa trẻ tám tuổi ra khỏi khách sạn chơi mà không được bố mẹ nó cho phép chẳng hạn.
Tôi biết chứ, thật là ngu ngốc, nhưng Paul từng thực sự đe doạ tôi về điều đó mà. "Sao thế ạ?" tôi hỏi. "Ông ta - ông Clemmings ấy - vẫn ổn chứ?"
"Thật không may là không," Sỹ quan Jones nói. "Ông ta chết rồi."
"Chết à?" tôi muốn bám vào một thứ gì đó. Nhưng chẳng may lại chẳng có gì ngoài cái thùng rác, và vì nó chứa đầy những là thức ăn thừa sau bữa trưa, tôi chẳng muốn sờ vào nó làm gì. Tôi từ từ ngồi phịch xuống bên lề đường.
Clive Clemmings ư? Đầu óc tôi rối loạn cả lên. Clive Clemmings đã chết? Chết thế nào? Tại sao lại chết? Tôi chẳng ưa gì Clive Clemmings. Tôi đã hi vọng rằng tìm thấy xác của Jesse rồi thì tôi có thể quay lại văn phòng nói thẳng vào mặt ông ta. Bạn biết đấy, cái chuyện Jesse đã bị sát hại ấy mà. Chỉ có điều, hình như bây giờ thì chẳng còn cơ hội nào cho tôi nữa rồi.
"Chuyện gì đã xảy ra vậy?" tôi hỏi, hoang mang ngước mắt lên nhìn hai cảnh sát.
"Thực sự chúng tôi chưa dám khẳng định chắc chắn," Sỹ quan Knightley nói. "Sáng nay người ta phát hiện ra ông ta đã chết ở chỗ bàn làm việc, ở hội sử học, có vẻ như chết vì một cơn đau tim. Theo như tài liệu ghi lại ở quầy đón khách thì cô là một trong số ít người đã đến gặp ông ta ngày hôm qua."
Đến lúc đó tôi mới nhớ ra là cái bà ngồi ở bàn đón khách đó đã bắt tôi phải ký tên vào. Chết tiệt thật!
"Ừm," tôi nói một cách thoải mái - nhưng hi vọng là không quá mức. "Lúc tôi nói chuyện với ông ta thì ông ta vẫn còn khoẻ mạnh."
"Có," Sỹ quan Knightley nói. "Chúng tôi biết điều đó. Nhưng chúng tôi đến đây không phải để điều tra về cái chết của Tiến sỹ Clemmings."
"Không ư?" Chờ tí đã nào. Chuyện gì đang diễn ra thế này?
"Cô Simon ạ," Sỹ quan Jones nói. "Sáng nay, khi phát hiện ra xác Tiến sỹ Clemmings thì đồng thời chúng tôi thấy rằng một hiện vật đặc biệt rất có giá trị đối với hội sử học cũng đã bị mất. Một thứ mới ngày hôm qua thôi cô đã xem xét cùng với Tiến sỹ Clemmings."
Những lá thư. Thư của Maria. Chúng đã biến mất. Chắc chắn là thế. Cô ta đã đến lấy chúng đi, có vẻ như bằng cách nào đó Clive Clemmings đã nhác thấy cô ta, và rồi cơn sốc khi trông thấy người phụ nữ trong bức chân dung trên bàn đang đi lại trong văn phòng mình đã khiến cho ông ta lên cơn đau tim.
"Một bức tranh nhỏ," Sỹ quan Knightley cúi xuống đọc cuốn sổ tay. "Bức tiểu hoạ của một người nào đó tên là Hector de Silva. Bà Lampbert, người đón khách, đã nói rằng Tiến sỹ Clemmings có kể với bà ta là cô có vẻ rất để ý đến nó."
Thông tin quá bất ngờ này khiến tôi bị sốc. Bức chân dung của Jesse? Bức chân dung của Jesse đã biến mất khỏi bộ sưu tập ư? Nhưng ai lại đi lấy thứ đó cơ chứ? Mà lấy để làm gì?
Tôi không cần phải giả bộ ngây thơ không biết gì khi lắp bắp: "Tôi - đúng là tôi đã quan sát bức vẽ đó thật. Nhưng tôi không lấy nó hay bất kỳ thứ gì khác. Ý tôi muốn nói là, khi tôi ra về thì ông... Tiến sỹ Clemmings đang cất nó đi rồi."
Sỹ quan Knightley và Jones liếc nhìn nhau. Nhưng trước khi họ kịp nói gì thì có người xuất hiện chỗ góc rẽ của quán Pool House. Đó là Paul Slater.
"Có chuyện rắc rối gì với người trông em trai tôi vậy?" cậu ta hỏi bằng một giọng chán chường như thể muốn nói - tôi nghĩ thế - là những người làm việc cho gia đình Slater cũng hay bị cảnh sát lôi đi hỏi cung lắm.
"Này cậu," Sỹ quan Knightley nói giọng có vẻ rất bực mình. "Khi nào chúng tôi thẩm vấn xong nhân chứng này thì - "
Paul rút phắt cặp kính ra và quát lên: "Các ông có biết cô Simon là trẻ vị thành niên không? Chẳng phải các ông nên thẩm vấn cô ấy khi có mặt cha mẹ cô ấy hay sao?"
Sỹ quan Jones chớp mắt mấy cái. "Xin lỗi... ờ... ngài," ông ta lên tiếng, cho dù rõ ràng ông ta không thực sự coi Paul là 'ngài', thì cậu ta vẫn chưa đủ mười tám tuổi còn gì. "Cô đây không phải bị bắt giữ. Chúng tôi chỉ hỏi vài - "
"Nếu không bị bắt," Paul nói thật nhanh, "thế thì cô ấy không cần phải trả lời các ông bất kỳ điều gì, đúng thế không?"
Sỹ quan Jones và Knightley lại nhìn nhau. Rồi Sỹ quan Knightley nói: "Ừm, đúng vậy. Nhưng có một người đã chết và một vụ mất trộm, và chúng tôi có lý do để tin rằng cô đây có thể cung cấp thông tin - "
Paul nhìn tôi. "Suze," cậu ta nói, "hai quý ông đây đã đọc cho cậu nghe cậu có quyền gì chưa?"
"Ừm," tôi nói. "Chưa."
"Cậu có muốn khai với họ không?"
"Ừm," tôi nói, lo lắng liếc qua lại hết từ Sỹ quan Knightley sang Sỹ quan Jones. "Cũng không hẳn."
"Vậy thì cậu không cần phải nói gì hết."
Paul cúi xuống, nắm lấy cánh tay tôi. "Chào hai ông sỹ quan cảnh sát đáng mến đây đi," cậu ta nói, kéo tôi đứng dậy.
Tôi ngẩng lên nhìn hai ông cảnh sát. "Ừm," tôi nói với họ. "Tôi rất tiếc khi nghe tin Tiến sỹ Clemmings đã chết, nhưng tôi thề rằng tôi không biết đã có chuyện gì xảy ra với ông ta, hay với bức tranh đó. Tạm biệt."
Thế rồi tôi để cho Paul Slater lôi mình quay lại chỗ bể bơi.
Thường thì tôi không phải đứa ngoan ngoãn ai bảo gì cũng nghe, nhưng phải nói thật với bạn, tôi đang bị sốc. Mà cũng có thể đó là do tôi thấy mừng về vụ sau-khi-bị-cảnh-sát-thẩm-vấn-mà-lại-không-bị-dẫn-về-đồn, nhưng khi chúng tôi đã khuất tầm mắt của hai ông Sỹ quan Knightley và Jones rồi thì tôi quay người lại, nắm lấy cổ tay Paul.
"Được rồi đấy," tôi nói. "Tất cả chuyện đó là thế nào?"
Paul lại đeo cặp kính lên, vì thế rất khó dò ánh mắt cậu ta, nhưng tôi thì cho rằng cậu ta đang muốn cười lắm. "Tất cả cái gì?" cậu ta hỏi.
"Tất cả chuyện đó," tôi nói, hất đầu về phía chỗ quán Pool House. "Cái chuyện Lone-Ranger[4]-đến-cứu-nguy đó. Nếu tôi nói gì sai thì có thể sửa lại, nhưng chẳng phải ngày hôm qua chính cậu đã định dẫn độ tôi đến chỗ nhà chức trách hay sao? Hay đi mách với cấp trên của tôi?"
Paul nhún vai. "Đúng," cậu ta nói. "Tuy nhiên, có một người đã chỉ dạy cho tôi thấy rõ rằng, dùng mật ngọt thì bắt được nhiều ruồi hơn là dùng dấm chua."
Lúc ấy, cảm giác của tôi chỉ là hơi bị phật ý khi bị gọi là ruồi thôi. Tôi không hề mảy may thắc mắc xem "một người" đó có thể là ai. Tuy vậy, chẳng mấy chốc tôi cũng tìm ra đáp án.