Là một người làm cầu nối, tôi cũng chẳng lạ lẫm gì với cái chuyện bị dựng dậy bởi cách cư xử, nói thế nào nhỉ, một cách cư xử chẳng nhẹ nhàng gì cho lắm. Nhưng giờ còn ít nhẹ nhàng hơn mọi khi rất nhiều. Khi có người cần bạn giúp thì lúc nào họ cũng cố tránh gây thù chuốc oán với bạn... mà cái việc huơ huơ một con dao thì lại có khả năng gây ra điều đó đấy.
Nhưng ngay khi tôi mở mắt ra và trông thấy cái kẻ đang cầm dao đó là ai, thì tôi hiểu rằng có lẽ cô ta không muốn tôi giúp đỡ. Có lẽ cái điều cô ta muốn là giết tôi cơ.
Đừng hỏi làm sao tôi lại biết điều đó. Chắc chắn là bản năng của người làm cầu nối dày dặn đã mách bảo. Ừm, cả cái con dao kia cũng là một dấu hiệu rất rõ ràng nữa.
"Đồ ngu, nghe rõ ta nói đây," Maria de Silva rít lên. Hay đúng hơn phải là Maria de Silva Diego, vì lúc chết thì cô ta đã cưới Felix Diego, tên nô lệ bỏ trốn. Tôi biết được những điều đó nhờ đọc cuốn sách Tiến Sỹ đã mượn ở thư viện về, có tên là Vùng Monterey Của Tôi, nói về lịch sử hạt Salinas từ năm 1800 đến 1750. Trong đó thậm chí còn có cả chân dung của Maria nữa.
Và cũng chính nhờ thế tôi mới biết kẻ đang cố giết mình lúc này là ai.
"Nếu như," Maria rít lên, "cô không bảo bố và em trai cô thôi cái trò đào bới đó đi" - bố dượng và anh phát hiện ra em con dượng chứ, tôi muốn sửa lại điều cô ta nói, nhưng không thể, vì bàn tay kia vẫn còn đang bịt miệng tôi - "thì ta sẽ khiến cô phải hối tiếc vì đã sinh ra trên đời này đấy. Rõ chưa?"
Một đứa con gái mặc váy phồng mà ăn nói khiếp nhỉ. Vì cô ta là thế mà. Một cô gái. Nhưng vào lúc cô ta chết thì lại không phải vậy. Lúc chết, chắc khoảng thời gian chuyển giao giữa hai thế kỷ - tất nhiên là thế kỷ trước rồi, không phải thế kỷ này - thì Maria de Silva Diego khoảng bảy mươi tuổi.
Nhưng con ma phía trên giường tôi có vẻ ngang tầm tuổi tôi. Mái tóc cô ta đen, không một sợi bạc, hai bên mặt buông lơi những lọn tóc xoăn rất cao sang. Chắc cô ta chăm chỉ đến cửa hàng đồ trang sức lắm. Một viên hồng ngọc to tướng thòng xuống dưới sợi dây chuyền bằng vàng đeo quanh chiếc cổ dài thon - đúng phong cách Titanic - và những ngón tay cô ta đeo đầy những cái nhẫn nặng đô. Một trong những cái nhẫn đó đang cứa vào lợi tôi đây này.
Bọn ma là thế đấy - những điều trong phim ma đúng là sai toét hết. Khi chết rồi thì linh hồn của bạn không có dáng vẻ giống như thân xác vào cái thời điểm bạn về chầu ông bà đâu. Bạn chả bao giờ thấy ma đi lang thang ruột rà lòng thòng, tay cầm cái đầu bị chặt đứt lìa, hay gì gì đi nữa. Nếu bạn mà trông như thế thật thì Jack đã có lý do chính đáng cho việc nó là một con cáy bé tí tẹo rồi.
Nhưng mọi việc không phải như thế. Thay vì vậy, hồn của bạn sẽ mang dáng vẻ của thân xác bạn lúc đang ở thời kỳ sung mãn nhất, tràn đầy sức sống nhất. Và đối với Maria de Silva, thì tôi đoán đó là lúc cô ta khoảng mười sáu tuổi.
Này, bạn biết không, thật hay là cô ta còn được lựa chọn lứa tuổi nào cô ta thích cơ đấy? Jesse thì chẳng sống được lâu để mà có nổi một lựa chọn. Nhờ công đức của cô ta chứ ai.
"Ô, đừng có dại," Maria nói, mặt của mấy cái nhẫn cọ vào răng tôi theo kiểu thực sự phải nói là không dễ chịu tí nào. "Đừng có ý định đó."
Tôi chẳng hiểu làm sao mà cô ta lại biết được, nhưng tôi đã định thúc hai đầu gối vào cột sống của cô ta đấy. Tuy nhiên, lưỡi dao gí sát vào cổ họng đã nhanh chóng khiến tôi từ bỏ ý định đó.
"Bảo với bố cô thôi cái trò đào bới đi, còn cô phải huỷ hết những lá thư đó, hiểu chưa, con nhãi kia?" Maria xì xào. "Và cấm có hé răng một từ nào về những lá thư - hay về ta - cho Hector biết. Hiểu rõ những gì ta nói chưa?"
Tôi còn làm gì được nữa nào? Cô ta đang gí một con dao vào cổ tôi. Và cách cư xử của cô ta chẳng còn sót lại gì giống một Maria de Silva, người đã viết những lá thư dớ dẩn đó. Ả ta không còn tuôn ào ào về chuyện cái mũ mới nữa, nếu bạn hiểu ý tôi muốn nói gì. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ chuyện chắc chắn cô ta không chỉ biết cách sử dụng dao mà sẽ còn làm thật, nếu cô ta điên lên.
Tôi gật đầu để cô ta thấy trong hoàn cảnh này, tôi hoàn toàn sẵn lòng nghe theo những yêu cầu của cô ta.
"Tốt," nhMaria de Silva nói. Và rồi cô ta nhấc tay ra khỏi miệng tôi. Tôi nếm thấy vị máu.
Cô ta đã đè lên người tôi - cái áo ren rua phủ lên mặt tôi, khiến mũi tôi ngưa ngứa - và giờ thì cúi xuống nhìn tôi, nét mặt xinh đẹp nhăn lại thành vẻ căm ghét.
"Bọn họ cũng bảo ta phải cẩn thận," cô ta cười khinh bỉ. "Rằng cô là một đứa khó chơi. Nhưng cô cũng đâu có khó chơi lắm, phải không? Cô chỉ là một đứa con gái. Một con nhãi ngu ngốc." Cô ta ngật đầu ra phá lên cười. Và rồi biến mất. Tất cả chỉ có thế.
Ngay khi cảm thấy mình có thể cử động lại rồi, tôi ra khỏi giường, đi vào phòng tắm, bật đèn lên và nhìn mình trong tấm gương phía trên bồn rửa mặt. Không đúng. Đó không phải là một cơn ác mộng. Trên răng tôi còn có cả vết máu mà cái nhẫn của Maria de Silva đã cứa vào.
Tôi gột sạch cho đến khi không còn máu nữa, rồi tắt đèn phòng tắm và quay lại phòng ngủ. Chắc là tôi đã quá sửng sốt hay sao đó. Tôi còn chẳng thể nhận thức điều gì vừa mới xảy ra nữa. Maria de Silva. Maria de Silva, vị hôn thê của Jesse - trong hoàn cảnh này thì có thể nói là vị hôn thê cũ cũng được - vừa mới hiện ra trong phòng tôi, đe doạ tôi. Tôi. Con nhóc bé nhỏ tội nghiệp là tôi đây này.
Quá nhiều thứ cần phải suy nghĩ, nhất là bây giờ mới có... oh, tôi chẳng biết... bốn giờ sáng?
Mà tối qua tôi lại vừa mới đón nhận một cú sốc khác nữa chứ. Vừa bước ra khỏi phòng tắm, tôi thấy ngay một người nào đó đang đứng dựa vào một trong mấy cái cột giường phủ rèm phía trên đầu. Chỉ có điều, đó chẳng phải một người xa lạ, mà là Jesse. Và khi trông thấy tôi, anh ta đứng thẳng dậy.
"Cô không sao chứ?" anh ta hỏi, giọng lo lắng. "Tôi đã nghĩ là tôi... có phải vừa mới có ai đó ở đây không, Susannah?"
Uh, ý anh là cô người yêu cũ của anh, tay múa dao chứ gì? Đấy là tôi nghĩ thế thôi. Còn điều tôi nói ra lại là: "Không phải đâu."
Thôi được rồi. Bạn đừng có lại bắt đầu lên lớp gì tôi đấy. Tôi không nói cho anh ta chẳng phải vì sợ lời đe doạ của Maria đâu nhé. Không phải, mà là vì một điều khác mà Maria đã nói. Về chuyện bảo dượng Andy thôi đào bới phía sân sau. Bởi vì điều đó chỉ có thể mang một ý nghĩa duy nhất là: vẫn còn một thứ gì đó được chôn ở sân sau của ngôi nhà, một thứ mà Maria không muốn bị ai phát hiện ra.
Và tôi có cảm giác tôi biết thứ đó là gì rồi.
Tôi cũng linh cảm rằng, thứ đó cũng chính là lý do khiến Jesse còn vương vấn ở khu đồi Carmel này lâu đến như thế.
Lẽ ra thì tôi nên kể sạch cho Jesse biết, phải không? Ý tôi là: anh ta có quyền được biết chứ. Đó là chuyện liên quan trực tiếp đến anh ta mà.
Nhưng đó cũng chính là việc mà tôi tin chắc rằng, nó sẽ đưa anh ấy rời xa tôi vĩnh viễn.
Phải, tôi biết: nếu tôi thực sự yêu anh ấy thì tôi phải vui lòng để anh ấy được tự do, như kiểu cái câu thơ in trên mấy tấm poster có hình bọn hải âu tung cánh bay ấy mà: Nếu bạn yêu thương một thứ gì đó, hãy để cho nó được tự do. Nếu thứ đó thực sự thuộc về bạn, thì rồi nó sẽ quay trở về.
Nói cho bạn hay nhé. Câu thơ đó thật ngu si, hiểu chưa? Và hoàn toàn không thể lôi nó ra mà áp đặt vào trường hợp này được. Bởi vì một khi Jesse được tự do rồi, anh ấy sẽ không bao giờ quay về với tôi đâu. Bởi vì anh ấy sẽ không thể quay về được chứ sao. Bởi vì anh ấy sẽ ở trên thiên đàng, kiếp sau, hay gì gì đó.
Và rồi tôi sẽ phải trở thành một bà thầy tu.
Chúa ơi. Chúa ơi, mọi chuyện thật chẳng ra cái khỉ mốc gì cả.
Tôi lại bò vào giường.
"Này Jesse," tôi nói, kéo mấy tấm chăn mỏng lên đến tận cằm. Tôi đang mặc áo phông quần đùi, nhưng mà, chả có 'phụ tùng' gì cả. Trong bóng tối thế này thì chắc anh ta cũng không rõ đâu, nhưng ai mà biết được chứ. "Tôi mệt lắm rồi."
"Ơ," anh ta nói. "Ừ. Nhưng... Cô chắc chắn là lúc trước không có ai ở đây đấy chứ? Vì tôi dám thề là tôi - "
Tôi chờ anh ta kết thúc. Để xem anh ta sẽ nói nốt cái câu đó thế nào? Tôi dám thề là tôi nghe thấy giọng nói ngọt ngào dễ thương của người phụ nữ tôi từng yêu? Tôi dám thề là tôi ngửi thấy mùi nước hoa của cô ấy - tiện thể nói luôn, đó là mùi hoa cam đấy?
Nhưng anh ta chẳng nói câu nào trong số những điều đó. Thay vì vậy, trông có vẻ thực sự rối trí không hiểu gì cả, anh ta nói: "Xin lỗi," và biến mất, giống y như cái cách cô người yêu cũ của anh ta đã biến mất. Thực ra, chắc bạn sẽ nghĩ là biết đâu họ lại gặp nhau thì sao, đúng thế không, gặp đâu đó ngoài kia chỗ dành cho bọn ma ấy, với mấy cái trò hiện hồn rồi lại biến mất thế này này?
Nhưng rõ ràng là không phải rồi.
Tôi sẽ không nói dối và bảo với bạn rằng tôi nằm xuống ngủ lại ngay. Tôi không thể. Thực sự tôi mệt lắm rồi, nhưng trong đầu tôi vẫn cứ nhay đi nhay lại điều Maria đã nói. Mà cô ta nóng gáy và bận tâm về chuyện quái gì mới được cơ chứ? Những bức thư đó chẳng có gì có thể tố cáo cô ta cả. Ý tôi muốn nói, đấy là nếu sự thật đúng là cô ta đã hại Jesse để cô ả có thể cưới tên người yêu là Diego thay vì phải cưới anh ta. Và nếu như những bức thư đó quan trọng đến thế thì sao cô ta không huỷ chúng đi từ bao nhiêu năm trước? Sao chúng lại được chôn dưới sân sau nhà chúng tôi, trong một cái hộp xì gà?
Nhưng đó chưa hẳn là điều khiến tôi khó chịu. Cái điều thực sự khiến tôi khó chịu là chuyện cô ta muốn tôi bảo dượng Andy thôi đào bới. Bởi vì, điều đó chỉ có thể có một ý nghĩa duy nhất: Bên ngoài kia còn một thứ thậm chí còn có thể tố cáo tội ác một cách rõ ràng hơn nữa kia. Ví dụ như một xác chết chẳng hạn.
Tôi còn chẳng muốn nghĩ xem cái xác đó là của ai đâu nhé.
Sau khi cố gắng rồi thì cũng chợp mắt được, mấy tiếng sau tôi tỉnh dậy và vẫn không muốn nghĩ về chuyện đó nữa. Nhưng có một điều tôi biết chắc: tôi sẽ không bảo dượng Andy thôi đào bới (mà kể cả nếu tôi có nói thì cứ làm dượng ấy sẽ nghe lời không bằng), và cũng không huỷ mấy lá thư đó. Không đời nào nhé.
Thật ra, để đề phòng, tôi sẽ lấy mấy lá thư ấy làm của riêng, bảo dượng Andy là tôi đã đích thân gửi chúng đến cho mấy nhà sử học rồi. Chắc là chúng sẽ được an toàn trong trường hợp mụ già Maria Diego đó còn đang âm mưu đến những chuyện khác. Dượng Andy ngạc nhiên, nhưng cũng chỉ đến mức hỏi tôi định làm gì mà thôi. Dượng ấy còn quá bận bịu quát tháo Ngu Ngơ về chuyện lấy xẻng đào sai chỗ.
Sáng hôm đó, khi tôi đến Khu nghỉ dưỡng Khách sạn và Sân golf Peeble Beach, Caitlin chào mừng tôi bằng một câu nghe như kết tội: "Tôi chẳng biết cô đã làm gì nhóc Jack Slater, nhưng bố mẹ nó yêu cầu cô trông nó cho đến hết kỳ nghỉ của họ... thực ra là đến Chủ Nhật."
Tôi cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên. Mà cũng không thấy khó chịu. Tất nhiên chuyện với Paul thì đúng là hơi phiền, nhưng giờ tôi biết lý do vì sao Jack lại cư xử kỳ cục như thế rồi thì tôi thực sự mến thằng nhóc. Và rõ ràng thằng nhóc khoái tôi chết đi được, lúc tôi đặt chân vào phòng của gia đình nó là biết. Không còn nằm dài trên sàn cắm mặt vào cái tivi nữa. Jack đã mặc đồ bơi và chuẩn bị sẵn sàng khởi sự.
"Hôm nay chị dạy em kiểu bơi bướm nhé, Suze?" nó hỏi. "Lúc nào em cũng muốn học kiểu bơi đó."
"Susan à," bà mẹ thì thầm với tôi ngay trước khi ù đi vì có cái hẹn làm tóc (không có Paul và cả ông bố ở đây, đi chơi golf từ 7 giờ rồi mà, thật nhẹ cả người). "Cô không biết phải cảm ơn cháu bao nhiêu cho đủ vì những điều cháu đã làm cho Jack. Cô không biết ngày hôm qua cháu đã nói gì với nó, nhưng nó cứ như là một đứa trẻ hoàn toàn khác. Chưa bao giờ cô thấy nó vui như thế. Cháu biết không, nó thực sự là một đứa nhạy cảm nhất trên đời. Mà cũng giàu trí tưởng tượng nữa. Lúc nào nó cũng nghĩ mình trông thấy... ờ... những người đã chết. Nó đã kể cho cháu nghe chưa?"
Tôi hờ hững bảo là nó đã kể rồi.
"Nhà cô gần như đã bó tay. Phải đến ba mươi bác sỹ khác nhau chữa cho nó mà không ai - không một ai - làm được. Vậy mà cháu xuất hiện, và rồi..." Bà Nancy Slater cúi nhìn tôi bằng đôi mắt xanh trang điểm kỹ càng. "Cô không biết tạ ơn cháu thế nào thế nào đây, Susan."
Cô có thể, tôi thầm nghĩ, bắt đầu bằng việc gọi cho đúng tên tôi cũng được. Nhưng mà tôi cũng chẳng để ý lắm. Tôi chỉ nói: "Không có gì đâu thưa cô Slater," và đi đến dẫn Jack xuống bể bơi.
Đúng là Jack giống như một đứa trẻ khác hẳn. Không thể phủ nhận điều đó. Ngay cả Ngái Ngủ, tỉnh dậy khỏi cơn gà gật vốn choán đến một nửa thời gian của anh ta khi nghe tiếng Jack sung sướng quẫy nước, cũng đã hỏi tôi đó có phải vẫn là thằng nhóc mà anh ta thấy đi cùng tôi vào buổi sáng hôm trước không, và khi tôi bảo là đúng, trông anh ta thực sự có vẻ nghi ngờ trong một hay hai giây rồi lại tìm về với giấc ngủ. Những thứ mà trước kia từng khiến Jack khiếp sợ - đúng ra là tất cả mọi thứ ấy chứ - thì dường như bây giờ chẳng còn khiến nó phải để ý tẹo nào.
Và thế là, sau khi ăn hamburger ở quán Pool House, tôi bảo với nó rằng hay là hai đứa bọn tôi bắt xe bus của khách sạn đi vào thành phố chơi, thì thằng nhóc chẳng hề phản đối. Thậm chí nó còn bảo kế hoạch đó "nghe hay ho" nữa chứ.
Hay ho. Một đứa như Jack lại nói ra câu đó cơ đấy. Thật tình, có khi việc làm cầu nối chả phải là năng khiếu của tôi cũng nên. Có khi tôi phải làm giáo viên, hay nhà tâm lý chuyên trị bệnh trẻ con, hay gì gì đó cơ. Tôi nói thật đấy.
Tuy nhiên, khi chúng tôi vào thành phố rồi, Jack lại chẳng lấy gì làm khoái chí lúc chúng tôi đến toà nhà đề là Hội Sử học Thành phố Carmel-ven-biển. Nó muốn ra bãi biển chơi, nhưng khi tôi nói với nó rằng việc này là để giúp đỡ một con ma, xong việc rồi sẽ ra biển, thì nó cũng đồng ý.
Tôi cũng không hẳn là một đứa khoái lịch sử gì cho lắm, nhưng phải công nhận rằng việc này hay ho ra phết đấy chứ: đi xem tất cả những bức ảnh cũ treo trên tường, những bức ảnh chụp vùng Carmel và Hạt Salinas một trăm năm về trước, trước khi có những chuỗi trung tâm thương mại và siêu thị Safeway, khi nơi đây chỉ mới là những đồng cỏ lác đác những cây cypress, giống như trong cuốn sách mà bọn tôi phải đọc hồi học lớp 8, cuốn Chú ngựa đỏ ấy mà. Ở đây có lắm thứ hay ho - những thứ từ tận cái thời Jesse sống thì cũng không nhiều, nhưng sau thời gian đó, như kiểu sau Cuộc Nội Chiến chẳng hạn, thì lại bao nhiêu. Jack và tôi đang trầm trồ trước một thứ gọi là cái máy chiếu stereo, đó là thứ mà hồi trước người ta hay dùng để giải trí trước khi phim ảnh ra đời, thì một người đàn ông đầu hói ăn mặc xộc xệch bước ra khỏi văn phòng làm việc, dòm chúng tôi qua cặp kính dày như đít chai Coke và nói: "Sao, cháu muốn gặp tôi à?"
Tôi nói là chúng tôi muốn gặp người chịu trách nhiệm ở đây. Ông ta nói mình chính là người đó, và tự giới thiệu mình là Dr. Clive Clemmings Ph.D[3]. Thế là tôi nói với Dr. Clive Clemmings Ph.D tôi là ai, sống ở đâu, và lôi từ trong balô JanSport (hàng Kate Spade thực sự không hợp với cái quần soóc kaki xếp nếp đó) ra cái hộp đựng xì gà và cho ông ta xem những lá thư...
Và thế là ông ta hồn bay phách lạc.
Tôi nói thật đấy. Ông ta hồn bay phách lạc luôn. Ông ta hết sức phấn khích đến nỗi bảo với một bà lớn tuổi ngồi ở bàn đón khách là hoãn hết tất cả các cuộc gọi đến lại (bà ta ngẩng lên khỏi cuốn tiểu thuyết tình cảm đang đọc, tỏ vẻ kinh ngạc; chứng tỏ rõ là Dr. Clive Clemmings Ph.D chẳng mấy khi có người gọi điện) và dẫn Jack và tôi vào phòng làm việc của ông ta....
Cái nơi mà tôi suýt nữa bị một cơn nhồi máu cơ tim trong đó luôn. Bởi vì đằng kia, trên bàn làm việc của ông Clive Clemmings, là bức chân dung của Maria de Silva, bức chân dung tôi đã từng thấy trong cuốn sách mà Tiến Sỹ mượn ở thư viện mang về.
Tôi nhận thấy họa sỹ đúng là đã tạo ra một tác phẩm cực kỳ xuất sắc. Ông ta vẽ lại chính xác không chê vào đâu được, mấy lọn tóc loăn xoăn bên mặt, cái dây chuyền vàng và viên hồng ngọc trên chiếc cổ dài thanh nhã, đấy là chưa nói đến cái nét mặt khinh người thế kia...
"Chính là cô ta!" tôi kêu lên, hoàn toàn vô thức, trỏ vào bức tranh.
Jack ngẩng lên nhìn tôi như thể tôi bị điên - mà chắc là lúc đó tôi điên thật - nhưng ông Clive Clemmings chỉ ngoái đầu lại phía sau, nhìn bức chân dung và nói: "Đúng, Maria Diego. Bức tranh quý giá nhất trong cả bộ sưu tập. Được người ta cứu thoát khỏi bị bán mất, một trong mấy đứa cháu của bà ta đã bán nó ở trong một cái gara ôtô cơ đấy, cháu tin nổi không? Lão già tội nghiệp, hắn đến lúc mạt vận rồi mà. Thật là đáng hổ thẹn. Tuy nhiên, chẳng có ai trong gia đình Diego đó leo cao được. Cháu biết người ta vẫn hay nói rồi đấy: nòi nào giống nấy. Mà Felix Diego thì - "
Tiến sỹ Clive mở chiếc hộp xì gà ra rồi, đang dùng thứ gì đó trông như một chiếc nhíp đặc biệt để mở lá thư đầu tiên ra. "Ôi, trời," ông ta thốt lên, cúi xuống nhìn.
"Vâng," tôi nói. "Thư của cô ta đấy ạ." Tôi hất đầu về phía bức tranh. "Maria de Silva. Đó là mấy lá thư cô ta viết cho Jesse - à, ý cháu là viết cho Hector de Silva, anh họ của cô ta, người lẽ ra cô ta sẽ kết hôn, chỉ có điều là anh ta - "
"Đã biến mất." Ông Clive Clemmings trố mắt nhìn tôi. Tôi đoán chắc là ông ta khoảng tầm tuổi ba mươi - cho dù trên đầu đã có chỗ hói rất rộng - và cho dù trông chẳng sáng sủa cho lắm, nhưng giờ ông ta không còn cái vẻ chán ghét như lúc trước nữa. Vẻ bề ngoài biểu hiện nỗi ngạc nhiên cực độ, mà chắc chắn là không thường xuyên lắm, đã khiến ông ta trông khá khẩm hơn nhiều.
"Lạy Chúa tôi," ông ta nói. "Cháu tìm được những thứ này ở đâu vậy?"
Và thế là tôi kể lại cho ông ta nghe, và thậm chí ông ta còn phấn khích hơn nữa, bảo chúng tôi chờ ông ta trong văn phòng trong khi ông ta đi lấy một thứ.
Thế là bọn tôi đợi. Jack đã rất ngoan ngoãn. Nó chỉ hỏi: "Đến lúc nào thì chúng ta mới được ra biển hả chị?" có mỗi hai lần.
Khi Dr. Clive Clemmings Ph.D quay lại, ông ta đang cầm một cái khay và một đống găng tay cao su, ông ta bảo bọn tôi đi găng vào nếu muốn chạm vào thứ gì. Lúc đó Jack đã chán lắm rồi, thế là nó quyết định quay lại căn phòng chính để chơi với cái máy chiếu stereo thêm một lúc nữa. Chỉ có tôi là đi găng.
Nhưng tôi thật mừng vì đã làm thế. Bởi vì khi đi găng rồi, ông Clive Clemmings để tôi chạm vào tất cả mọi thứ có liên quan đến Maria de Silva mà hội sử học đã sưu tập trong bao nhiêu năm qua.
Nói cho bạn hay, nhiều lắm đấy. Nhưng trong bộ sưu tập ấy, những thứ khiến tôi thích thú nhất lại là một bức tranh bé xíu - ông Clive gọi đó là bức tiểu họa - của Jesse (hay là Hector de Silva, như ông Clive gọi thế; rõ ràng là chỉ có người trong nhà mới gọi anh ấy là Jesse... thì gia đình của anh ấy, và cả tôi nữa chứ), và năm lá thư, trông đỡ hư hỏng hơn nhiều so với mấy lá thư trong hộp xì gà kia.
Bức tiểu họa đó thật là hoàn hảo, trông y như một tấm ảnh nhỏ vậy. Hồi đó người ta vẽ đẹp lắm. Đúng là Jesse rồi, không chệch đi đâu được. Bức họa đó đã tái hiện anh ấy một cách chính xác tuyệt đối. Cái vẻ mặt thế kia đúng là vẻ mặt khi tôi ba hoa với anh ấy về cua id="filepos160693">̣c tung hoành vĩ đại ở cửa hàng giảm giá - bạn biết đấy, thu hoạch được cái túi xách Prada giảm giá năm mươi phần trăm, hay gì gì đó. Trông anh ấy như không thể thờ ơ hơn được nữa.
Trong bức tranh chỉ có đầu và vai của Jesse, anh ấy đang đeo một thứ mà ông Clive Clemmings gọi là cái cravat, chắc hồi đó đàn ông nào cũng phải đeo, cái thứ to đùng màu trắng xếp nếp quấn mấy vòng quanh cổ ấy. Nếu Ngu Ngơ, hay Ngái Ngủ, hay ông Clive Clemmings đeo thứ đó vào, bất chấp cái danh hiệu Ph.D của ông ta, thì chắc là trông phải buồn cười lắm.
Nhưng Jesse đeo vào thì tất nhiên là miễn chê rồi. Ừm, có thứ gì anh ấy mặc mà chẳng đẹp đâu?
Những lá thư gần như còn hay hơn cả bức ảnh, ở một điểm. Đó là vì chúng đều được gửi cho Maria de Silva... và được một người tên là Hector ký tên ở dưới. Tôi chăm chú xem xét chúng, và không phải là lúc đó tôi cảm thấy tội lỗi gì đâu nhé. Những lá thư đó thú vị hơn thư của Maria rất nhiều - cho dù, cũng giống thế, chẳng có tí lãng mạn nào cả. Không hề có, Jesse chỉ kể - phải nói là rất dí dỏm - về những chuyện xảy ra ở trang trại của gia đình anh ấy và những trò nhí nhố mà mấy đứa em gái đã bày ra. (Hoá ra là có tận năm người. Ý tôi là em gái ấy mà. Vào cái năm Jesse chết, tất cả đều còn nhỏ, đứa bé nhất là sáu tuổi, lớn nhất là mười sáu. Nhưng anh ấy đã bao giờ kể cho tôi nghe về chuyện này chưa? Ôi giời, cho xin đi.) Cũng có vài điều về chuyện chính trị ở địa phương, và chuyện phải chăm lo cho trang trại thì khó đến thế nào khi mà cơn sốt đào vàng đang lên và ai ai cũng bỏ xứ mà chạy theo kiếm chác.
Cách Jesse viết thư giống như là bạn đang nghe anh ấy nói trực tiếp về tất cả những chuyện đó vậy. Cách viết ấy rất gần gũi, thân mật và thú vị. Hay hơn nhiều so với những lá thư khoe khoang khoác lác của Maria. Mà cũng không có một từ nào viết sai chính tả hết.
Trong khi tôi đọc những lá thư của Jesse, tiến sỹ Clive cứ thao thao về chuyện giờ ông ta đã có những bức thư mà Maria gửi cho Hector rồi, thì ông ta sẽ cho bày thêm chúng trong cuộc triển lãm ông ta định mở vào mùa thu khi đông khách du lịch, cuộc triển lãm giới thiệu toàn bộ về dòng họ de Silva và vai trò quan trọng của họ trong sự phát triển của Hạt Salinas trong bao nhiêu năm qua.
"Giá mà," ông ta buồn bã nói, "còn người nào trong dòng họ đó còn sống nhỉ. Ý ta là người nhà de Silva ấy mà. Nếu mời được họ làm khách mời phát biểu thì hay quá."
Điều đó khiến tôi chú ý. "Còn vài người chứ ạ," tôi nói. "Chẳng phải Maria và cái gã Diego đó có với nhau đâu như là ba mươi bảy đứa con hay gì đó sao?"
Clive Clemmings nghiêm mặt lại. Là một sử gia - mà nhất lại là một tiến sỹ - ông ta có vẻ không thích bất kỳ câu nói phóng đại nào hết.
"Họ có mười một đứa," ông ta chỉnh lại. "Và nói cho đúng thì chúng không mang họ de Silva, mà là họ Diego. Gia đình de Silva thật không may lại toàn con gái. Ta e rằng Hector de Silva là người đàn ông cuối cùng trong dòng họ này. Và dĩ nhiên là chúng ta không bao giờ biết được liệu anh ta có đứa con trai nối dõi nào không. Nếu có thì chắc chắn là không phải ở Bắc California này."
"Tất nhiên là anh ta không có con rồi," tôi nói, có lẽ hơi tự ái quá mức. Nhưng tôi đang nóng gáy đây. Ngoài cái câu nói rõ là sặc mùi phân biệt đối xử theo giới tính kiểu "người đàn ông cuối cùng trong dòng họ", tôi không đồng tình với chuyện ông ta giả định rằng Jesse lại có con cái ở đâu đó, trong khi thật ra anh ấy đã bị sát hại một cách dã man. "Anh ta đã bị giết ngay trong chính ngôi nhà của cháu đây!"
Clive Clemmings nhướn mày nhìn tôi. Đến lúc đó tôi mới nhận ra mình vừa mới nói gì.
"Hector de Silva," tiến sỹ Clive nói, nghe giống y giọng xơ Ernestine khi chúng tôi làm ồn trong lớp học môn Tôn giáo, "đã biến mất ngay trước đám cưới của anh ta với người em họ Maria, từ đó chẳng ai nghe tin gì về anh ta nữa."
Tôi không thể ngồi đó mà bảo: Phải, nhưng hồn ma của anh ta sống trong phòng tôi, và anh ta đã kể cho tôi nghe...
Thay vào đó, tôi nói: "Cháu nghĩ... ừm... có khả năng là Maria đã sai người tình của cô ta, cái gã Diego đó, đi giết hại Hector để cô ta khỏi phải kết hôn với anh ta."
Clive Clemmings trông có vẻ bực. "Đó chỉ là một giả thuyết mà ông của ta, Đại tá Harold Clemmings, đã đưa ra, ông ấy là người đã viết - "
"Cuốn Vùng Monterey của tôi," tôi nói hộ ông ta. "Vâng, đó chính là điều cháu muốn nói. Ông ta là ông nội của ông à?"
"Đúng vậy," tiến sỹ Clive nói, nhưng trông ông ta chẳng vui vẻ gì. "Ông ấy đã qua đời từ lâu lắm rồi. Và ta không thể nói rằng ta đồng ý với giả thuyết của ông ấy được, thưa cô... ờ... Ackerman." Tôi đã đem tặng những bức thư của Maria dưới cái tên của người cha dượng, thế là tiến sỹ Clive, một kẻ phân biệt đối xử theo giới tính, đã cho rằng đó cũng là tên tôi luôn. "Mà cuốn sách đó cũng chẳng bán được bao nhiêu. Ông nội ta đã vô cùng hứng thú tìm hiểu lịch sử vùng ông ấy sống, nhưng ông ấy không phải là người được ăn học tử tế, như ta đây. Ông ấy thậm chí còn chẳng có nổi cái bằng cử nhân, chứ đừng nói gì đến tiến sỹ. Ta - cũng xin nói là cùng với hầu hết các sử gia trong vùng, chỉ trừ có mỗi ông nội của ta - luôn luôn tin rằng cậu thanh niên nhà de Silva đó đã làm một điều mà người ta hay nói là 'sợ co vòi lại' " - tiến sỹ Clive lấy mấy ngón tay ra dấu ngoặc - "một vài ngày trước lễ cưới và, không dám đối diện với nỗi ô nhục của cả gia đình về chuyện bỏ rơi một cô gái trẻ theo cái cách như thế, nên đã một mình bỏ đi, có lẽ đến gần vùng San Francisco...."
Thật lạ lùng, nhưng trong một khoảnh khắc tôi thực sự đã mường tượng ra cảnh mình lấy cái thứ trông như cái nhíp mà Clive Clemmings đã bắt tôi dùng để lật giở những trang thư của Jesse, đâm thẳng vào hai mắt ông ta. Đấy là nếu mà tôi có thể đâm xuyên qua được hai mắt kính đít chai kia.
Nhưng thay vì vậy, tôi thu tay chân lại, lấy hết sức làm ra vẻ đường hoàng chững chạc trong khi ngồi đó, đang mặc cái quần soóc kaki có nếp xếp dọc ở phía trước, và nói: "Và từ tận đáy lòng, thưa ông Clive, ông có thực sự tin rằng người viết ra những lá thư này lại có thể làm một điều như thế không? Bỏ đi mà không nói một lời nào với gia đình? Không nói với các em, những người mà rõ ràng anh ta rất yêu thương, những người mà anh ta đã kể trong thư với bao nhiêu tình cảm như thế? Ông thực sự nghĩ rằng lý do mà những lá thư này xuất hiện ở sân sau nhà tôi là do anh ta đã chôn chúng sao? Hay ông cho rằng không thể nào có khả năng là chúng xuất hiện ở đó bởi vì anh ta bị chôn đâu đó trong sân, và nếu cha dượng của tôi đào sâu xuống thì ông ấy có thể tìm thấy anh ta?"
Giọng tôi đã trở nên chói tai. Chắc là tôi hơi bị kích động về toàn bộ câu chuyện này. Ờ đấy, làm gì được tôi nào.
"Liệu điều đó có khiến ông chịu nhìn nhận rằng ông nội của ông đã nói đúng một trăm phần trăm không?" tôi gào lên. "Khi nào cha dượng tôi tìm thấy cái xác đã bị phân huỷ của Hector de Silva ấy?"
Clive Clemmings trông kinh ngạc hơn bao giờ hết. "Thưa cô Ackerman!" ông ta kêu lên.
Chắc ông ta nói ra câu đó là vì ông ta, cũng như tôi, nhận ra rằng tôi đang khóc.
Điều đó thật lạ lùng, vì tôi đâu phải đứa mít ướt. Ý tôi là, ừ thì, tôi phát khóc khi bị đập đầu vào một cánh cửa tủ bếp, hay là trong thấy một trong mấy tấm biển quảng cáo ngu si của bọn Kodak, hay cái khỉ gì cũng được. Nhưng tôi không phải đứa ở bất cứ chỗ nào cũng khóc được đâu nhé.
Nhưng tôi đang ở đây, ngồi trong văn phòng của Dr. Clive Clemmings Ph.D, mắt mũi tèm lem. Giỏi lắm, Suze. Chuyên nghiệp gớm nhỉ. Cách hay ho để cho Jack thấy làm cầu nối như thế nào đấy.
"Ừm," tôi nói, giọng run rẩy khi tôi lột đôi găng tay cao su ra và đứng lên, "cho phép tôi đảm bảo với ông một điều, thưa ông Clive, rằng ông đã cực kỳ sai lầm. Jesse - ý tôi là Hector - sẽ không bao giờ làm một điều như thế. Đó có thể là điều cô ta muốn ông tin" - tôi hất đầu về phía bức tranh phía trên, cái tranh mà giờ đây tôi bắt đầu thấy căm ghét lắm rồi - "nhưng đó không phải là sự thật. Jesse - ý tôi là Hector - không phải... vốn dĩ không phải một người như thế. Nếu anh ta 'sợ co vòi' như ông nói" - tôi cũng lấy tay làm hai cái đã dấu ngoặc ngu si - "thì anh ta đã phải huỷ hết chuyện cưới xin rồi. Và, gia đình anh ta có thể phải chịu xấu mặt, nhưng họ sẽ tha thứ cho anh ta, bởi lẽ anh ta yêu họ bao nhiêu, họ cũng yêu thương anh ta bấy nhiêu, và - "
Nhưng rồi tôi không thể nói thêm gì nữa, vì tôi đang khóc như mưa. Thật tức điên cả người. Tôi không thể tin được. Khóc. Khóc trước mặt tên hề này cơ chứ. Thế nên, thay vào đó, tôi quay lưng phóng vù ra khỏi phòng.
Chắc là chẳng ra thể thống gì, cứ xem cái điều sau cùng mà ông Dr. Clive Clemmings Ph.D đó nhìn thấy ở tôi là cái bàn toạ, mà hẳn là mặc cái quần soóc ngu si đó thì trông phải to vĩ đại.
Nhưng tôi cũng đã nói rõ được một điều. Tôi nghĩ thế.
Mà cuối cùng thì nó lại hoá ra chẳng quan trọng gì. Nhưng lúc đó thì tôi không hề biết.
Và thật không may, Dr. Clive Clemmings Ph.D tội nghiệp cũng không biết.