Thái ngóc đầu lên để vói rút khăn lông trên đầu giường đặng che mặt mà ngủ, vì đèn chong nóng quá.
Rút khăn xong, anh thả rơi đầu xuống thì nghe một cái cộp, rồi lại nghe anh ta la : “ Ui cha ! “
Ở mấy chiếc giường hai bên, ngườI ta rúc rích cười. Anh đã bị bạn kế giường rắn mắc ăn cắp gối lúc anh ngóc đầu lên . Tên ăn cắp là Ngư . Ngư hô :
- Nè chụp nè ! Rồi liệng gối Thái theo đường vòng cầu. Gối bay ngang mình Thái rồi rơi qua giường bên kia. Nguyên đưa tay sẵn để hứng lấy rồi dồi gối qua cho Thoại bên cạnh , y như người ta chơi bóng rỗ.
Gối chuyền tay mà bay từ giường này đến giường khác , Thái rượt theo mãi mà không kịp. Rốt cuộc anh đành trở về giường, cuốn mền lạI kê đầu mà nằm.
Những người chơi cái trò trẻ con trên đây toàn là ngườI lớn cả, trên dưới bốn mươi tuổi đầu.
Đó là những thầy giáo ở tỉnh , nhân dịp bãi trường về Sàigòn theo học các lớp tu nghiệp tại trường Gia Long.
Tất cả, ngày xưa đều là lưu trú học sinh ở một trường trung học nào đó ở miền Nam.
Cuộc sống chung trong mùa tu nghiệp năm nay bỗng dưng gây lại cái không khí mười mấy năm về trước với những dãy giường sắt ngay hàng thẳng lối , với trống điểm giờ ăn, giờ tắm, giờ nằm, vớI bóng đèn chong màu xanh xanh tỏa ánh sáng trăng nhơn tạo xuống những chiếc mùng rung rinh mà trong đó các cậu thiếu niên mơ những mộng đẹp ngoài đời.
Ôi, cái đời lưu trú năm xưa, xa lắm rồi mà nghe sao như là mới hôm qua này thôi !
Ôi, những cái đầu, tóc còn dưỡng rẽ, ôi những chiếc tủ đầu giường thơm mùi thuốc rệp mà trong đó bao thiếu niên mơ mộng đã xếp kỹ những bức thư xanh, những bức thư tím, những bức thư hồng, cũng như họ đã ủ kín trong lòng non dại của họ niềm yêu bâng quơ tác giả các bức thư kia.
Ôi ,những gói bánh tổ bột gạo, đường hạ Biên hòa mà các cậu thiếu niên gặm mòn trong đêm tối như chuột gặm khoai, ôi những kỷ niệm xa xưa , nay đã đâu rồi !
Ngày đầu vào trường Gia Long, ai nấy lòng cũng quặn thắt đau, nghẹn ngào xúc động mà nhìn những dãy nhà giống hệt những dãy nhà của trường Petrus Ký, trường Sở Cọp, trường Cần Thơ, trường Mỹ Tho mà trong đó đã nghỉ yên quá khứ của họ.
Làm sao không ngậm ngùi được vì đó là nơi mà một khi kia trong đời họ, họ đã hoài thai nhiều mộng vĩ đại, đã mơ những giấc mơ tiên
Nhưng rồi sự học tập và cuộc sống tập thể lôi cuốn họ vào một nhịp khắc khổ hơn nên họ tạm dẹp tình cảm lại.
Nhưng họ vẫn cảm nghe họ trẻ lại đi mườI mấy năm, ham nô đùa vớI nhau như lũ lưu trú học sinh ngày trước
Các thầy giáo hôm nay cũng rắn mắc y hệt như cái bản sao của họ hồi tiền chiến
Khi chiếc gối bay đến giường cuốI dãy thì anh Trung chụp rồI dộng vào cửa buồng một cái rầm nghe như vợ chồng ai đang đánh lộn vớI nhau
- Mấy thằng dịch già này , không cho tao ngủ hở bây ?
Đó là lời mắng rất hiền của một ông cụ bốn lăm. Mới bốn lăm mà ông ta ra vẻ cụ lắm
- Thôi ngủ bây ơi, kẻo cụ giận không gả con cho thì chết đến sáu bảy cửa lận : cửa trước không ai đóng, cửa sau không ai gài, cửa túi rách không ai vá, cửa tủ tiền chạy ra không ai ngăn, cửa miệng không ai tiếp tế lương thực nè ……
Cả bọn cười xòa, và anh Hạc hát giọng tuồng :
- Nhạc gia ơi ! Xin đó mựa đừng vội giận, đây nguyền nuốt hận làm im cho nhạc gia ngủ đó a nhạc gia !
- Thùng ! anh Trinh đánh trống miệng một cái nghe ngọt xớt
- Thôi phát nầy ngủ thật đa ! Dung nói
- Khoan, để mổ ra câu đối, đứa nào đối được, sáng mổ bao ăn kem . Ráng nghe các cha :
- Ngủ giả mà nói ngủ thật, là giả ngủ
- Xuất đối đi, đối đối nan, thỉnh tiên sinh đối vậy
- Im !
- Đèn chong sáng quá làm sao ngủ
- Trong Petrus Ký đó nghen tụi bây, hồi đó nó không chong đèn bóng xanh như ở đây, vì bóng xanh sáng lắm, học trò lén thức học, bỏ ngủ rồi bịnh cả đám. Biết nó làm sao hôn ? Nó chong bằng bóng trắng mà ngoài sơn dầu sơn xanh. Như vậy ánh sáng tốI hù, đứa nào ham học thì bơ.
Có một bận đó nghen, tụi nó đòng đòng lên ba đứa như làm trò xiệc ấy, để lấy dao cạo dầu sơn. Quên nói là trường Petrus Ký khôn lắm , nó rút bóng đèn lên sát tận trên trần để mình phá không được.
Đang cạo sột sột bỗng đâu thầy Su-quây-dăng mở cửa kiếng kêu cái bực mà bứơc ra, vì tụi ngoài này làm ồn như giặc, thầy ta chịu không thấu đời quyết ra chụp vài cậu phạt cho hả giận
Đám hát xiệc nghe nguy hoảng hốt, anh kép ở dướI quăng anh kép đứng giữa, anh kép giữa quăng anh kép trên. Anh nầy, tao nhớ tên là anh Gừng. Anh ta té cái rầm , năm bất tỉnh nhơn sự , con dao đâm lủng tai trái anh ta, máu ra linh láng.
Thầy Su vừa bước ra, thấy vậy ngỡ anh ta chết, sợ chịu nhơn mạng, vội thốI trở vô. Vừa lúc ấy thì mùng cháy rần rần vì anh Ký thắp đèn cầy mà học , học mê không hay gì cả, đến chừng nghe cái rầm anh ta giật mình hươi tay đụng đèn ngã vào mùng mà gây hỏa hoạn.
- Rồi sao nữa ?
- Rồi áp nhau mà la mã tà chớ sao. Có thằng hô to “ Hỏa thiêu Hồng Liên Tự rồi bây ơi ! “
Đêm ấy, nhà ngủ tụi tao rầm rầm như đám giựt giàn cúng làm chay.
- Rồi anh Gừng có sao không ?
- Sau đó , anh ta hóa thành thi sĩ.
- Lạ không ?
- Anh ta làm thơ như vầy :
Cạo đèn bây học, lại quăng tao,
Nghĩ giận tụI bây , máu muốn trào
Hát xiệc không lương , xương lạI gãy,
Thầy Su hoảng sợ, thích biết bao !
Chưa chết mà bây châm lửa đốt,
Tao chẳng dân Miên, hỏa táng tao !
Từ rày nhắn vớI quân ham học,
Vùi đầu vào sách sẽ ho lao
- Toàn vần ao không mà thôi
- Phải, đó là anh ta cố ý, vì anh ta nói anh ta đã bị nóc ao mà !
- Thôi bỏ mùng xuống ngủ các cha !
- TụI bây ơi, mùng của mình vén coi có vẻ thất trận lắm ! Tụi áo tím hồi đó tao đi ngoài đường thấy chúng nó vén mùng khéo mà bắt thèm. Chúng nó may mùng trùm phủ ngoài trụ, rồi muốn vén, vo tròn lại từ lai trôn vo lên, như con gái thợ cấy xăn ống quần . Thật là tay con gái có khác .
- Các cô con gái áo tím dễ yêu hồi đó bây giờ đã hóa ra bà già rồi bây ơi, trời hỡi nè, đời ngườI sao mà thấm thoát , cô áo tím của tôi đã năm con bảy cháu rồi nè trời !
- Hu…..hu…..!
- Thùng !
- Các anh ơi, sao mà nằm trên giường nầy, tôi nghe như hương thừa của ai còn phảng phất đâu đây…..
- Giường cũ biết còn hay không ?
- Sao lại không . Trường Gia Long là cái trường độc nhứt không bị quân đội Nhật và Pháp sung công thì cái gì cũng còn nguyên vẹn cả, trừ người xưa. Kìa cái cây dé ngựa ngoài sân, ngày xưa, cô áo tím của tôi chiều chiều đã dựa vào đó mà làm thơ.
Cây cối bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già, đang chờ người đi mất tự ngàn xưa … Ngày nào tròn trăng lại nhớ…..
- Có ai xuôi vạn lý , nhắn đôi câu…..
- Thùng !
- Tân cổ nhạc hằm bà lằng, mại dô !
- Quỉ dịch, có để người ta ngủ hay không nè ?
Bấy giờ chắc cũng đã khuya rồi, nên phần đông mòn mỏi và lời mắng cuối cùng đã bịt miệng họ được .
Tuy nhiên, những người chưa ngủ vẵn lăn qua trở lại hoài. Nhớ vợ, nhớ con ở tỉnh nhà , hay nhớ một mối chinh phục mớI ? Ừ, một dịp đi Sàigòn y như là ngày kép núi hạ san và rất có thể gặp đào giữa truông mây
Thầy giáo Lâu ngồi dậy định bước ra cửa sổ dòm sao. Thầy giáo Niệm cận giường còn thao thức , thầy kéo bạn dậy và nói nho nhỏ :
- Chưa ngủ à ? Ra đây hứng mát . Trời, tháng bảy mà sao nóng nực quá ?
Giáo Niệm là tay làm ồn nhứt trường từ hổm nay, không ai chịu nổi thầy ta cả. Mỗi đêm thầy ta đều rủ các bạn tái diễn cái trò kêu rệp ngày xưa nghe muốn bể con rái.
Thầy gác , tiếng Pháp kêu là Su-quây-dăng , nhưng hồi xưa học sinh lại kêu lầm họ là rê-pê-ti-tơ và kêu tắc là Rệp.
Đêm đêm hễ thầy gác đi rình là họ kêu than có rệp :
- Rệp mắc dịch ! Bò hoài sáng đêm !
Rồi họ đập giường rầm rầm
Giáo Niệm nô đùa dữ quá , cười muốn bể cửa kiếng nhưng ai tinh ý thì thấy trong cái quá lố ấy có ẩn hiện một hơi hướng đau thương, như là sầu quá hóa điên, cườI ra nước mắt.
Nhứt là từ lúc các bạn nhắc đến các cô áo tím cho vui thì thấy thầy ta ngậm câm, không tham gia buổi tối vui nữa.
Tiểu tiết ấy không thoát khỏi mắt quan sát của ngườI bạn thân giữa đường của giáo Niệm là giáo Lâu.
Còn một điều lạ lùng nầy nữa là từ Phong Dinh ( Cần Thơ) lên để theo học lớp tu nghiệp Anh văn mà giáo Niệm không thèm học hành gì cả. Theo chỗ dọ biết thì ngày xưa thầy rất khá Ăng lê, mà đã quên hết rồi.
- Thì nay học lại , chớ khó khăn gì đâu.
- Nhưng thầy ta như cóc cần học . Mỗi lần bà giáo người Mỹ gọi đến thầy là thầy cứ trả lời độc một câu mà thầy còn nhớ :
- I can’t speak English (1)
“ Tâm sự gì ? “ Lâu tự hỏi thầm và ái ngại cho người bạn mới mà thầy rất mến.
Một người từ Bình Dương xuống, một ngườI từ Phong Dinh lên, chơn trời góc biển gặp nhau, lại mến nhau như bạn thâm giao đâu từ thuở ấu thời.
Đôi bạn thót lên ngồi trên đầu tủ com-mốt , rồi Lâu chỉ vòm trời đen lóng lánh sao mà hỏi bạn :
- Giống cái gì ?
- Giống sao vàng rải trên hòm sơn đen
- Ghê quá ! Sao anh lại nghĩ đến cách so sánh tang tóc như vậy ?
- Có lẽ vì liên tưởng.
- Đến cái gì ?
Giáo Lâu đặt tay lên vai bạn không nói gì, nhưng cử chỉ ấy hùng biện biết bao ! Đôi bạn thông cảm nhau một niềm thương mến sẵn sàng trao đổi nhau nghe tất cả cái gì ray rứt trong lòng họ.
Giáo Niệm cúi xuống nhìn sân trường tối om, xa xa một vừng ánh đèn vườn làm nổi bật lên cây lá trong một khoảng nhỏ….
- Trong cái im lặng bao phủ cảnh trường nầy, tôi bồi hồi tưởng nhớ năm xưa ….
- Ngỡ gì, ai lại không như thế . À, hồi đó anh học trường nào ?
- Petrus Ký
- Còn tôi thì học Sở Cọp. Trường của mình nên thơ hơn trường này phảI không anh. Thuở ấy, đêm tôi dòm ra sở thú, lắng nghe tiếng thủ thỉ của dân rừng bị nhốt…
- Còn tôi thì đêm đêm dòm ra thành Ngã Bảy lúc đó còn là một cánh đồng ma, để xem đèn ma và nghe mấy chị bột khoai kêu mả tà. Ấy ,quanh trường hoang vắng nên tối nào cũng có cướp cạn.
- Còn ở đây lâu đài, dinh thự nhiều quá, không đẹp gì hết.
- Tôi, tôi lại nghĩ khác. Tôi thấy ở đây rất nên thơ vì có lẽ trường này dính líu đến tôi nhiều .
Giáo Lâu đã thành công nhờ khôn khéo. Thầy ta biết nếu tra hỏi thì chắc bạn không chịu khai. Còn gợi chuyện thì tự nhiên việc nầy đưa đến việc khác, và đầu dây mốI nhợ sẽ được tháo tung ra.
Giáo Niệm đột ngột hỏi :
- Anh có biết là tôi chưa vợ hay không ?
- Không , trời ơi, đã bốn mươi hai rồi mà ….
- …… Mà còn cô độc, ừ. Tôi đi lên đây , mục đích chánh là đi hành hương. Hễ có dịp vào trường Gia Long là tôi vào, không biết để chi, nhưng không thể đừng được.
Trường nầy không phảI cảnh cũ, nhưng có lẽ nó gợi nhớ nên tôi thích. Hễ nhớ là đau, nhưng lạI cứ muốn nhớ, nhớ hoài để nghe như nó còn mới hoài, mới như vừa xảy ra hôm qua đây.
Năm ấy tôi học năm thứ hai. Một hôm Chúa nhựt ra chơi nhà ngườI chịu trách nhiệm về tôi đối với nhà trường, tôi gặp Oanh, trường áo tím, cháu của nhà nầy mà tôi không dè.
Tôi còn nhát gái lắm, nên bẽn lẽn một lúc rồi bỏ đi luôn.
TốI lại về trường tôi mới thấy là tôi ngu quá. Bạn hữu trong trường đứa nào cũng có bạn gái ở ngoài cả chỉ trừ tôi thôi. Nhà quê không biết làm quen với ai, nay gặp dịp tốt lại trốn mất thì có ngốc quá hay không ?
Nhưng bây giờ mà có bạo gan tuần sau ra đó để gặp cô ấy chắc cũng sẽ ú ớ , không biết nói gì
Cô bé đẹp quá ! Áo tím làm nổi bật nước da trắng nõn của cô và cái e lệ của cô sao làm tôi điếng người đi.
Bí quá, tôi lén bạn hữu kéo anh Lưu ra góc sân và hỏi :
- Anh Chín nè, làm sao anh quen với bạn gái ?
Lưu là một học sinh rất đẹp trai. Anh ấy lại biết làm thơ nữa. Anh có một tập thơ nhan đề là “ Anh Chín thi tập “, trong đó anh sưu tầm thơ của anh và của nhiều bạn gái của anh. Anh Chín là biệt hiệu cà rỡn mà bạn hữu gán cho anh và anh vui vẻ nhận lấy.
- Cái đó tùy anh, Lưu đáp . VớI mỗI người, phảI mỗi cách. Cô ấy thế nào ?
Tôi kể chuyện gặp gỡ cho anh nghe. Anh trề môi mà rằng :
- Anh thật là thằng chúa ngục, anh trốn như vậy nó khinh anh rồI thì còn mong gì.
Tôi khổ sở quá, và luôn hai ba Chúa nhựt không dám ra đó nữa.
Tuần ấy tôi xáng bịnh: sốt rét rừng. Nhà thương cứu cấp ở trường gởi tôi vào nằm điều trị trong Chợ Rẫy.
Thuở ấy công chức và học sinh đi Chợ Rẫy đều nằm chung một trại , gọi là “ Nhà giàu I”.
Tôi được tiêm thuốc hai hôm là hết sốt. Nhưng lệ nhà thương , sốt rét rừng cho nằm mườI lăm hôm.
Hôm thứ ba tôi ra ngoài sân, lại gốc me ngồi chơi thì lạ quá, trên băng đá dưới gốc me ấy , cô áo tím đang ngồi đan nón.
Tôi hoảng vía toan thối lui để chạy vào trại thì cô ta thấy tôi, mỉm cười chào tôi một cái. Tôi quýnh lên, đỏ cả hai tai rồi ú ớ như thằng câm.
Để cứu tôi, cô hỏi :
- Anh vào nằm đây bao lâu rồi ?
- Dạ ơ….hơ …. mười lăm
Sợ quá, đến số ngày cũng nói bậy .
- Em thì mớI có ba ngày. Anh bịnh làm sao và nằm phòng số mấy ?
Bấy giờ tôi đã hoàn hồn, bước lại gần băng mà đáp :
- Tôi nằm số bảy, trên lầu . Cô bịnh làm sao và nằm ở đâu ?
Thì ra cả hai đều sốt rét. Cô ấy nằm số 25 dưới đất. Hỏi phăng tới thì biết cô cũng học năm thứ hai , ban sư phạm, và tên là Oanh.
Oanh nói :
- Mấy tuần nay, em có ra luôn. Cậu em ngạc nhiên lắm mà thấy anh không tới. Cậu em nói anh học giỏI lắm, không lẽ lại bị phạt ở lạI ngày Chúa nhựt.
Không, không bao giờ cậu Oanh và Oanh biết lý do vì sao tôi không ra cả.