Bà chạy vội ra phía trước, cửa nhà cũng chỉ khép hờ chứ không đóng. Vậy là Nhã Trúc đã đi ra khỏi nhà rồi! Trời ơi giữa đêm hôm khuya khoắt thế này mà nó một thân một mình ra đường làm gì chứ? Nó đi đâu được vào giờ này?
Hoảng sợ, bà An vội vã nhấc điện thoại gọi tới nhà Ngọc Anh. - A lô, tôi nghe đây, xin lỗi ai gọi thế? Tiếng đàn ông - có lẽ là ba Ngọc Anh - lo lắng vì cuộc gọi lúc nửa khuya thường không mang tới chuyện lành! Bà An run giọng:
- Xin lỗi, tôi xin lỗi vì đã gọi cho anh chị vào giờ này... Tôi là mẹ của Nhã Trúc đây ạ! Nhã Trúc nó... nó đi đâu mất rồi...
- Sao? Chị nói sao? Nhã Trúc đi đâu vào lúc đêm hôm thế này? Ba Ngọc Anh tỉnh hẳn ngủ, hốt hoảng:
- Tôi... tôi cũng không biết nên nhờ anh chị xem giùm chỗ nào mà khi còn sống Ngọc Anh thường đến...
Nghe tiếng nói như sắp khóc của mẹ Nhã Trúc ở đầu dây bên kia, ba Ngọc Anh cố trấn tĩnh để an ủi:
- Không sao đâu... chị đừng lo lắng quá. Chúng tôi sẽ đi tìm Nhã Trúc ngay bây giờ. Chị cứ ở nhà chờ điện thoại của tôi nhé, khi có tin tức của Nhã Trúc, tôi sẽ lập tức gọi cho chị ngay...
Ông Thành - ba Ngọc Anh - vừa đặt điện thoại xuống thì bà Thành vừa hớt hải đi ra vừa đưa tay vấn lại mái tóc, bà hỏi:
- Có chuyện gì vậy ông? Ai gọi thế?
- Chị An, mẹ của Nhã Trúc gọi tới báo tin Nhã Trúc đã đi đâu mất trong đêm rồi... Ông Thành vừa chau mày suy nghĩ vừa trả lời vợ.
Bà Thành đưa một tay lên ngực, miệng kêu lên khe khẽ:
- Trời ơi... chẳng lẽ con Ngọc Anh nhà mình nó vẫn chưa chịu...
Câu chuyện Ngọc Anh nhập hồn vào thân xác của Nhã Trúc đã được Quân vâ bà An kể lại cho ông bà Thành biết, hai ông bà cũng rất tin vào việc đó nên đã nhờ cậy bà An thỉnh các vị sư phụ đến tụng niệm, vì bà An đã qui y làm phật tử trong chùa từ rất lâu, nên hiểu biết nhiều về việc này.
Vợ chồng ông Thành đều cảm thấy mình phải có trách nhiệm với những hành vi không bình thường của Nhã Trúc, vì họ đều tin đó là do Ngọc Anh điều khiển thân xác Nhã Trúc làm vậy.
- Bà có nghĩ ra được chỗ nào mà con Ngọc Anh nhà mình có thể đến vào lúc đêm hôm như vầy không?
Ông Thành ngước lên hỏi vợ. Bà Thành lặng đi một lúc rồi reo lên:
- Tôi nghĩ ra rồi, ông đi theo tôi!
Vừa nói, bà Thành vừa nắm tay chồng lôi theo mình ra phía trước. Bà hấp tấp mở cửa rồi ra hiệu cho chồng, cả hai người rón rén tiến ra vườn hoa phía trước nhà. Vườn hoa nhà ông bà Thành không rộng lắm nhưng được thiết kế rất lạ mắt. Ông Thành là một kiến trúc sư có tên tuổi, bà Thành lại là một nghệ sĩ có tài thiết kế trang viên thì vườn hoa nhà ông bà khỏi phải nói cũng biết là nó rất đặc sắc rồi. Từ lúc còn bé Ngọc Anh đã đặc biệt mê mẩn khu vườn này. Cô thường ví von đây là vườn thượng uyển và cô chính là cô công chúa nhỏ trong vương quốc gia đình. Rồi có lúc cô lại ví đây là vườn hoa trên thượng giới, cô giống như Hằng Nga tung tăng đùa giỡn mỗi ngày.
Trí tưởng tượng của Ngọc Anh vô cùng phong phú, chỉ có mỗi một khu vườn nhỏ đó mà cô đã gán cho nó không biết bao nhiêu lên gọi. Và những lúc vui hay buồn gì thì góc nhỏ trong khu vườn, chỗ có chiếc xích đu kia chính là nơi Ngọc Anh luôn tìm đến. Bà Thành đã nhớ ra chi tiết đó nên vội vã dẫn chồng ra đó. Quả nhiên bà đã không sai! Trên chiếc ghế xích đu là một người con gái với mái tóc thật dài xõa xuống đến thất lưng, trên người mặc bộ đồ ngủ đơn giản ở nhà. Người con gái đó không ai khác Nhã Trúc. Nhưng tại sao Nhã Trúc lại vào được đây khi cổng nhà ông Thành vẫn đang khóa kín và tường rào thì cao chót vót lại có gắn miếng chai để phòng kẻ gian trèo vào trộm cắp?
Hai vợ chồng ông Thành tròn mắt nhìn nhau không ai dám thốt nên lời. Trên chiếc xích đu, Nhã Trúc vẫn ngồi một cách lặng lẽ, đầu cô cúi gục xuống, hai bờ vai run lên nhè nhẹ, hình như cô đang khóc…
Từ trước tới nay hễ nghe ai kể chuyện ma quỉ là bà Thành sợ phát khiếp. Bà vốn nhát gan, không bao giờ dám ra vườn một mình vào ban đêm, cũng chưa bao giờ dám tới gần người chết. Nhưng mới đây, đứa con gái thương yêu của bà không may qua đời nơi xứ lạ quê người, khi thân xác nó được đưa về tới nhà thì bà không được phép nhìn tận mặt nó lần sau cuối. Bà không hề sợ hãi, bà lồng lộn như điên, cứ khăng khăng đòi người ta phải mở nắp quan tài ra cho bà nhìn mặt...
Những ngày cử hành tang lễ, bà cũng không hề biết sợ là gì. Lúc nghe Quân và bà An kể lại việc Ngọc Anh nhập hồn vào Nhã Trúc, bà còn có vẻ không đồng ý. Trong đầu bà Thành thầm nghĩ, thà rằng Ngọc Anh cứ hiện hồn ra trước mắt bà, để bà nhìn thấy con lần nữa, dù chỉ là hồn ma bóng quế bà cũng thỏa lòng hơn là nó về dưới hình dạng bên ngoài của người khác, như vậy rất khó bày tỏ hết tình yêu thương đối với con.
Giờ đây, nhìn thấy Nhã Trúc ngồi một mình bà cũng đau lòng ghê lắm, bà chỉ muốn chạy tới ôm chầm lấy cô mà gọi “Ngọc Anh của mẹ”, nhưng thật khó làm sao vì mặt mũi đó, vóc dáng đó hoàn toàn không phải con gái của bà!
Sau một lúc đắn đo, ông Thành mạnh dạn tiến tới, vừa đi ông vừa lên tiếng tằng hắng để tránh cho Nhã Trúc khỏi phải giật mình kinh sợ.
- Sao con lại ngồi đây giờ này? Con có biết mẹ con ở nhà lo cho con lắm không?
Ông Thành làm như không hề biết tới chuyện nhập hồn, mà đang nói chuyện bình thường với Nhã Trúc. Nhã Trúc ngước lên nhìn ông, ấp úng:
- Dạ... con... dạ...
Vừa nói tới đó chợt trông thấy bà Thành, cô mừng rỡ đứng phắt ngay dậy chạy vội tới ôm chầm lấy bà:
- Mẹ... mẹ ơi...
Mặc dù không bất ngờ, nhưng bà Thành vẫn thấy hơi ngỡ ngàng khi từ miệng Nhã Trúc bật ra tiếng gọi bà là mẹ.Bà hơi lúng túng, nhưng rồi ngay sau đó, lòng mẹ thương con đã giúp bà Thành nhìn thấu linh hồn tội nghiệp của Ngọc Anh đang tha thiết chờ mong những cử chỉ yêu thương của bà đáp lại. Bà ôm cô gái vào lòng, vuốt mái tóc thay vì ngắn tới ngang vai, bây giờ là dài tận thắt lưng nói trong tiếng khóc:
- Con ơi... thật tội nghiệp cho con tôi...
Bà Thành nghẹn ngào không nói tiếp được lời nào nữa. Cả hai me con cứ đứng đó ôm chặt lấy nhau mà nước mắt tuôn tràn thổn thức. Ông Thành đứng một bên quan sát, ông cũng không cầm được nước mắt, những giọt lệ chầm chậm lăn dài trên má ông. Ông Thành đưa tay khẽ lau nước mắt rồi rảo chân vào nhà nhấc điện thoại gọi cho bà An:
- A lô, chị An à, chúng tôi đã tìm thấy Nhã Trúc rồi, chị yên tâm đi nhé! Nó ở trong vườn nhà tôi. Dạ... Dạ… nếu chị cho phép, tối nay xin được phép cho Nhã Trúc nghỉ lại nhà tôi một đêm... Dạ… Dạ... thật cảm ơn chị! Cảm ơn chị nhiều lắm... Chị an tâm ngủ đi nhé, chào chị.
Đặt điện thoại xuống, ông Thành trở ra vườn giữa lúc hai mẹ con đang tâm tình kể lể, ông im lặng lắng nghe, mãi một hồi lâu sau mới lên tiếng:
- Con thật sự là Ngọc Anh? Linh hồn con thật sự đang nương nhờ thân xác của Nhã Trúc, phải không con?
Nhã Trúc ngước nhìn ông Thành, ánh mắt như van lơn:
- Dạ... chính con là Ngọc Anh… Nếu ba không tin, ba có thể hỏi bất cứ điều gì liên quan tới con, con sẽ nói không sai đâu, con đúng là con gái của ba mẹ mà...
Ông Thành gật đầu:
- Ba chỉ hỏi thế để khẳng định lại một lần nữa vậy thôi, chứ thật ra ba cũng không nghi ngờ chuyện đó, vì ba đã được nghe mẹ của Nhã Trúc và Quân kể lại hết rồi... Bây giờ, ba chỉ muốn hỏi con, con dự định sẽ như thế nào?
Nhã Trúc cúi mặt khóc thút thít:
- Ba... ba không muốn gặp lại con sao? Ba muốn đuổi con đi sao ba?
Ông Thành đứt từng khúc ruột khi nghe con gái trách hờn, nhưng ông biết không thể để tình trạng này kéo dài, sẽ không tốt cho bất cứ một ai. Vì nghĩ vậy nên ông nghiêm giọng nói:
- Ba mẹ chỉ có mỗi một mình con là con gái. Con lại là đứa ngoan ngoãn, giỏi giang, ba mẹ tự hào về con biết mấy, yêu thương con biết mấy! Điều đó con cũng biết mà, phải không con? Con ra đi, đó là nỗi đau to lớn của ba, nếu được phép đánh đổi, ba sẵn sàng đổi thân mình để cho con được sống, được thực hiện những ước mơ, những hoài bão mà từ lâu nay con khát khao, ôm ấp... Nhưng... ông trời đâu có chiều lòng người... số phận đã buộc gia đình chúng ta phải chịu cảnh sinh ly tử biệt, cảnh tre già phải khóc măng non... Ba đau đớn lắm... Nếu như làm một điều gì đó mà trả cho con được sự sống thì dù có phải chịu bất kỳ hình phạt nào ba cũng không từ nan... con biết mà, phải không con gái?
Ông Thành âu yếm nhìn con, cái nhìn thiết tha nhưng buồn đau đáu... Nhã Trúc tiến tới cạnh ông, gục đầu vào ngực cha khóc tức tưởi... Bà Thành cũng ôm mặt khóc rưng rức...
- Con ạ, mỗi người đều có một số phận riêng... Nếu như cái chết này của con là oan ức, là chưa tới số, thì ba sẽ nhờ các thầy, các sư tụng niệm hàng ngày để vong linh sớm được đưa về nơi cần đến. Còn nếu con đã tới số rồi thì ba mong con nên ngoan ngoãn đi theo người dẫn đường tới đón con đi... Con đừng tưởng ba không thương con, không muốn gặp lại con... Nhưng con ạ, bây giờ con nhìn lại con đi, hình hài này có phải là của con đâu? Khi con xâm chiếm thể xác này thì lại có một vong linh khác phải vật vờ không nơi nương tựa. Mà vong linh đó lại chính là người bạn gái thân thiết nhất đời của con. Con không thương bạn sao? Nhà Nhã Trúc chỉ thui thủi có hai mẹ con, liệu mẹ Nhã Trúc sẽ sống sao đây khi thân xác của con bà đã hoàn toàn bị con chiếm lấy? Mình nghĩ cho mình, nhưng mình cũng phải nghĩ cho người nữa con ạ! Mà cho dù mình ích kỷ, không nghĩ lới ai hết thì sao đây? Liệu con có thể tồn tại mãi trong thân xác này không? Không, không thể được, vì thân thể của ai là hồn người đó, bất kỳ sự xâm chiếm nào cũng là tạm bợ mà thôi con ạ, không tồn tại được lâu đâu, cũng không thể đem lại cho con, cho gia đình ta một cuộc sống bình thường vui vẻ được…
- Ba ơi... ba đừng nói nữa... Đừng nói nữa ba ơi… Những điều ba nói con đã biết hết rồi! Anh Quân cũng đã một lần nói với con như vậy rồi, nhưng con không cam tâm, con không chịu được... Con còn rất nhiều, rất nhiều những việc chưa thực hiện được, con chỉ muốn mượn tạm xác thân của Nhã Trúc để làm những điều đó khi nào hoàn thành, con sẽ trả thân xác này về cho bạn ấy...
Nhã Trúc vừa nói vừa khóc sướt mướt.
Ông Thành khe khẽ lắc đầu:
- Con sai rồi! Con không thể thực hiện bất cứ điều gì bằng thân xác của người khác đâu con ạ! Con hãy nghe lời ba, hãy ngoan ngoãn đi con gái!...